QUY TRÌNH SẢN XUẤT VÁN ÉP PLYWOOD

Ván ép plywood là gì?
Ván ép plywood hay được gọi với cái tên gỗ dán, ván ép, ván dán… là loại gỗ công nghiệp được tạo thành từ nhiều lớp gỗ mỏng xếp chồng lên nhau và kết dính bằng keo chuyên dụng. Ván dán trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại khác nhau từ bề mặt đến cốt gỗ, đáp ứng đa dạng nhu cầu của người dùng.

Quy trình chế tạo ván dán trải qua nhiều công đoạn chuyên môn cụ thể dưới đây:

Bước 1. Thu hoạch gỗ tròn
Nguyên liệu đầu vào cho gỗ dán thường là các loại gỗ: keo, bạch đàn, cao su… được chọn lọc và thu hoạch tại khu rừng trồng. Gỗ tròn có đường kính trên 12cm, được đốn hạ và cắt khúc theo kích thước tiêu chuẩn.
Bước 2. Bóc vỏ, lạng gỗ
Gỗ vừa thu hoạch sẽ được trải qua sơ chế cơ bản, bóc bỏ lớp vỏ bên ngoài, sau đó đưa vào máy chuyên dụng để lạng thành các tấm gỗ mỏng đảm bảo độ dày khoảng 1.7mm. Công nhân tiến hành lạng veneer theo phương pháp bóc tròn bằng máy từ ngoài vào đến phần tâm cho đến khi hết khúc gỗ. Máy cắt dùng cho công đoạn này phải có lưỡi dao thật sắc, đảm bảo các lớp veneer lạng ra có độ dày đồng đều và không bị đứt khúc.
Bước 3. Phân loại và sấy
Các tấm ván đã được lạng mỏng sẽ đem đi phân chia theo loại gỗ, kích thước, đồng thời loại bỏ những tấm không đạt tiêu chuẩn. Sau đó, phơi ván đạt đến độ ẩm 20%-30% rồi xếp thành từng chồng để đưa qua hầm sấy Rulo. Dưới nhiệt độ được kiểm soát, các tấm gỗ được sấy khô đến độ ẩm đạt tiêu chuẩn. Kết thúc quá trình sấy, tấm ván tiếp tục được phân loại dựa trên bề mặt theo thứ tự các cấp A, B, C, D, F tương ứng số khuyết điểm tăng dần.
Bước 4. May và phủ keo
Sau khi sấy, các tấm gỗ lạng được may lại với nhau tạo thành tấm ván có kích thước lớn hơn. Công nhân sử dụng chỉ nhựa trong công đoạn này nhằm đảm bảo không để lại tạp chất trong tấm gỗ, đảm bảo chỉ sẽ chảy ra trong bước ép nhiệt tiếp theo. Mỗi tấm gỗ đã may tiếp tục được cho đi qua máy lăn keo để được phủ keo dán một cách đồng đều và nhanh chóng.
Bước 5. Xếp ván
Đây là công đoạn rất quan trọng, quyết định 90% chất lượng ván thành phẩm. Các lớp gỗ lạng đã phủ keo được xếp chồng lên nhau theo số lượng và độ dày yêu cầu. Ván được xếp liên tục thành một dây chuyền dài, các điểm tiếp nối được cố định với nhau bằng đinh nhựa. Cuối chuyền xếp ván là máy cắt chuyên dụng đã được điều chỉnh để cắt thành từng tấm cốt theo kích thước tiêu chuẩn.
Cách xếp lớp khác nhau sẽ cho ra những tấm ván có kết cấu khác nhau. Plywood hiện đang được sản xuất theo 3 kiểu: LVL (xếp xen kẽ), LVD (xếp đồng hướng) và LVB (xếp ngẫu nhiên).
Bước 6. Ép nguội và ép nóng cốt gỗ
Cốt ván sau khi cắt và xếp thành kiện sẽ được đưa vào ép nguội để làm phẳng và dàn đều keo giữa các lớp gỗ. Đây được xem như bước đầu định hình ván ép như mong muốn.
Tấm ván sau khi được ép nguội sẽ được đem đi sửa bả lần 1, cắt bỏ phần dư hoặc lấp kín phần hở giữa các mối nối, đảm bảo cả hai bề mặt cốt gỗ phẳng mịn để chuyển sang máy ép nóng.
Công đoạn ép nóng với áp suất lớn sẽ giúp lớp keo khô lại, liên kết giữa các lớp ván bền chặt hơn. Khác với cách ép nguội nguyên khối, tại công đoạn này, cốt gỗ được phân thành từng tấm riêng biệt đưa vào mâm để ép. Cốt gỗ được ép nóng đến khi đạt độ ẩm quy định, đảm bảo độ phẳng theo yêu cầu. Tùy theo mục đích sử dụng từng loại ván, Vl Imex có những quy định riêng về độ ẩm, chẳng hạn ván thông thường có độ ẩm trên dưới 12%, ván ép phủ phim có độ ẩm thường dưới 8%.
Bước 7. Sửa bả bề mặt
Cốt gỗ đã ép nóng tiếp tục được đem đi sửa lần 2, bả bề mặt để đảm bảo tính thẩm mỹ cũng như chất lượng.
Bước 8. Chà nhám và cắt sơ bộ cốt
Cốt gỗ được đưa vào máy chuyên dụng để chà nhám lần lượt ở cả hai mặt với có thiết bị đỡ để lật mặt tự động và cắt sơ bộ để cho ra các tấm ván nhìn chung có kích thước đồng đều nhau.
Bước 9. Nhuộm chống lộ cốt và dán bề mặt
Sau công đoạn trên, cốt gỗ được lăn chống lộ cốt cả hai bề mặt, để các khuyết điểm như mắt gỗ, điểm tiếp nối ván… không hiện rõ lên sau khi dán bề mặt, bởi thông thường lớp veneer bề mặt rất mỏng, chỉ từ 0.3 – 0.6mm. Cốt gỗ sau đó được đưa đến máy lăn keo, dán bề mặt theo yêu cầu của từng khách hàng.
Bước 10. Ép nguội và ép nóng bề mặt
Những tấm gỗ đã được phủ bề mặt sẽ đưa vào ép nguội và ép nóng tương tự như với cốt gỗ. Các công đoạn này giúp bề mặt liên kết chặt chẽ với cốt ván cũng như gia cố thêm độ kết dính giữa các lớp ván với nhau.
Bước 11. Chà nhám và cắt tinh theo kích thước tiêu chuẩn
Tấm ván được cho lên dây chuyền chà nhám và cắt gọt cuối cùng. Trong các công đoạn trước, kích thước của tấm cốt cũng như veneer bề mặt đều được chế tạo lớn hơn so với ván thành phẩm, phòng trường hợp sai sót, thiếu hụt. Do đó, sau khi chà tinh, ván bán thành phẩm được đo và cắt theo đúng kích thước yêu cầu. Ở bước này, bề mặt ván yêu cầu phải phẳng mịn, sạch sẽ, kích thước tấm ván phải đạt tiêu chuẩn, các góc cạnh phải đảm bảo an toàn.
Bước 12. Hoàn thiện
Sau tất cả các bước trên, tấm ván được kiểm tra kỹ lưỡng về số lượng, chất lượng và đóng hàng đầy đủ đợi ngày gửi đi cho khách.
Gỗ ép thành phẩm đa dạng độ dày có kích thước tiêu chuẩn 1220mm*2440mm, đạt các chứng nhận và nồng độ phát thải.

ƯU VÀ NHƯỢC ĐIỂM CỦA CÁC LOẠI VÁN ÉP PLYWOOD
Ưu điểm của gỗ Plywood
Có thể khẳng định, ván ép Plywood là loại gỗ công nghiệp được sử dụng phổ biến hiện nay với nhiều ưu điểm nổi bật:


Chất lượng vượt trội
Ván ép Plywood có khả năng chịu nước rất tốt, hạn chế được tình trạng cong vênh, trương nở. Bên cạnh đó, kết cấu của loại gỗ này cực kỳ chắc chắn, được làm từ các tấm gỗ tự nhiên lạng mỏng nên hạn chế được tình trạng co ngót, khả năng bám vít cực tốt.
Tính thẩm mỹ cao
Hiện nay Plywood được làm từ nhiều loại nguyên liệu gỗ tự nhiên khác nhau như gỗ óc chó, gỗ sồi trắng, gỗ tần bì… Đồng thời cốt ván còn được phủ thêm các bề mặt trang trí như tấm Laminates, Veneer, giấy trang trí nhúng keo Melamine. Chính vì vậy các loại gỗ Plywood có nhiều bề mặt khác nhau, như nhẵm bóng, sần, đa dạng về màu sắc, phong phú về hoa văn, phù hợp với nhiều không gian nội thất hiện nay.

Nhược điểm của ván ép Plywood
Do ván ép Plywood được làm từ gỗ tự nhiên nên sản phẩm này có khả năng kháng mối mọt thấp, cần phải xử lý gỗ thật kỹ lưỡng trước khi ép để có thể khắc phục được tình trạng này. Ngoài ra các nguyên liệu gỗ tự nhiên có giá thành khá cao nên các sản phẩm ván ép Plywood cũng có giá cao hơn so với các loại gỗ công nghiệp khác.

ỨNG DỤNG CỦA VÁN ÉP PLYWOOD

Hiện nay, Plywood ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong nhiều không gian nội thất bởi các ưu điểm nổi bật. Loại ván ép này có thể sử dụng để sản xuất các đồ thất như: tủ quần áo, tab đầu giường, vách ngăn giường ngủ, bàn làm việc, kệ tủ sách…

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *