Quy mô thị trường gia vị thế giới ước đạt 19 tỉ USD. Với gần 100 triệu dân, kèm theo thế mạnh trồng tiêu, ớt, nghệ, gừng, quế… hay đánh bắt cá làm nước mắm…, Việt Nam có tiềm năng lớn về sản xuất lẫn tiêu thụ và xuất khẩu gia vị.
Thị trường gia vị Việt Nam được Nielsen dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng trung bình hằng năm 25 – 32% trong giai đoạn 2016 đến 2022. Điểm thuận lợi đến từ việc các gia đình Việt có nhu cầu sử dụng nhiều gia vị trong các bữa ăn.
Sôi động thị trường gia vị
Sức hấp dẫn của thị trường gia vị đã thu hút hàng loạt tập đoàn quốc tế vào Việt Nam với nhiều sản phẩm nổi bật như hạt nêm Knorr (Unilever, Anh), Aji-ngon (Ajinomoto, Nhật Bản), Miwon (Đài Loan), Maggi (Nestlé – tập đoàn thực phẩm và thức uống lớn nhất thế giới, trụ sở Thụy Sĩ)…
Nước mắm trở thành thị trường cạnh tranh khốc liệt bởi hàng loạt thương hiệu như Thuận Phát, Nam Ngư, Chinsu, Thuyền Xưa, Liên Thành, Hạnh Phúc, 584 Nha Trang, Hồng Hạnh…
Các hũ gia vị mang thương hiệu DhFoods thời gian này cũng trở nên quen thuộc với gian bếp của nhiều gia đình, trong đó có muối tôm, muối ớt xanh Tây Ninh, muối ớt chanh Nha Trang, muối tiêu lá chanh, xốt chanh dây chua ngọt, mắm nêm cá cơm…
Những năm gần đây thị trường gia vị càng trở nên sôi động khi hàng loạt doanh nghiệp bước vào cuộc đua đổi mới, tung ra các gói gia vị được trộn với công thức sẵn như gia vị nấu lẩu thái, phở gà, bò kho, ướp thịt chẩm chéo, ướp thịt mắc mật… Các sản phẩm này không chỉ mang đến sự tiện lợi, đáp ứng nhịp sống hiện đại, mà còn giúp việc nấu ăn trở nên đơn giản hơn.
Đứng tại quầy gia vị ở siêu thị Co.opmart Rạch Miễu (Q.Phú Nhuận, TP.HCM), chị Nguyễn Trương Yến Mi (32 tuổi, nhân viên kinh doanh của một công ty nội thất) quan sát một lượt rồi bỏ vào giỏ chai nước mắm, hũ tiêu đen, bịch bột nêm và gói gia vị nấu bún bò Huế.
Chọn xong, chị vui vẻ chia sẻ: “Có gia vị món ăn mới ngon, chứ lạt lẽo sao ăn nổi. Bữa nay mình mua gia vị của hãng này, bữa sau có khi mua của hãng khác về ăn thử. Cái nào có khuyến mãi như giảm giá tiền, hay tặng kèm quà thì mình cũng ưu tiên mua. Siêu thị luôn có nhiều gia vị để lựa chọn”.
Để gia tăng thị phần, các doanh nghiệp bán gia vị không chỉ mang sản phẩm của mình đến hàng loạt kênh phân phối như trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi, tạp hóa… mà còn bán trên các kênh online như trang thương mại điện tử Shopee, Lazada, Tiki…, trang Facebook, website của doanh nghiệp…
Ăn nên làm ra nhờ bán gia vị
Với gần 100 triệu dân, sở hữu diện tích đất lớn trồng tiêu, gừng, ớt, tỏi, hành, ngò, quế, hồi…, đồng thời lực lượng lớn ngư dân làm nghề đánh bắt cá để làm nước mắm, các diêm dân làm muối…, Việt Nam không chỉ là nơi sản xuất, tiêu thụ mà còn có tiềm năng lớn xuất khẩu gia vị. Chính điều này cũng giúp nhiều doanh nghiệp ăn nên làm ra.
Theo báo cáo tài chính vừa được công bố, nửa đầu năm 2022 Tập đoàn KIDO đã gặt hái được doanh thu thuần hơn 6.300 tỉ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó riêng mảng dầu ăn đã đóng góp tới 83% tỉ trọng doanh thu (gần 5.300 tỉ đồng), tăng gần 30%. Sau khi trừ đi giá vốn và các chi phí, “ông chủ” của các hãng dầu thực vật Tường An, Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex)… đã mang về khoản lãi ròng sau thuế tới 340 tỉ đồng.
Tại hội nghị giao thương trực tuyến sản phẩm gia vị và hương liệu Việt Nam, ông Lê Hoàng Tài – phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) – cũng nhấn mạnh, những năm qua sản xuất và xuất khẩu gia vị, hương liệu có ý nghĩa lớn đối với nền kinh tế và xu hướng xuất khẩu của Việt Nam.
Sở hữu lợi thế địa lý trải dài trên nhiều vùng khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau, Việt Nam có sự đa dạng sinh học để tạo ra những sản phẩm nông sản gồm gia vị và hương liệu có hương vị cũng như chất lượng rất đặc trưng, khác biệt với sản phẩm cùng loại trên thế giới.
Là kênh phân phối quan trọng, đại diện hệ thống Saigon Co.op cho biết gia vị là một trong những mặt hàng được nhiều khách hàng quan tâm khi tới mua sắm tại các siêu thị Co.opmart, đại siêu thị Co.opXtra và cả cửa hàng bách hóa Co.opSmile, Co.op Food mang lại doanh thu tốt.
Đặc biệt, nhằm giúp khách hàng thuận tiện chi tiêu, Saigon Co.op cùng các nhà cung cấp cũng triển khai nhiều chương trình khuyến mãi cho nhiều ngành hàng khác nhau, trong đó gia vị là ngành hàng thường xuyên có ưu đãi tốt. Việc này không chỉ kích cầu tiêu dùng, mà còn góp phần hỗ trợ đầu ra cho nông sản Việt.
Trước tình hình căng thẳng chiến tranh Ukraine và Nga, gây nên đứt gãy chuỗi cung ứng, dầu ăn trở thành một mặt hàng tăng giá nhanh và tăng nhiều. Dù vậy, Saigon Co.op vẫn làm việc với nhà cung cấp để kiềm đà tăng, kèm theo khuyến mãi, mang lợi ích cho người tiêu dùng.
Nguồn: https://tuoitre.vn/gia-vi-thi-truong-tien-ti-20220802074946441.htm